Sài Gòn Cảnh Cũ Đường Xưa

 

Sài Gòn Cảnh Cũ Đường Xưa
Từ Đại Lộ Hàm Nghi Đi Về Chợ Cũ 

Công trường Gambetta

Chúng ta có thể bảo trung tâm Chợ Cũ chính là tứ giác giới hạn bởi bốn đường phố ngày nay: Nguyễn Huệ, Hải Triều (Phủ Kiệt), Hồ Tùng Mậu (Võ Di Nguy), Ngô Đức Kế.

Ngược dòng thời gian trở về đầu thế kỷ 20, chúng ta dừng chân tại nơi đã từng là nền của những dãy nhà lồng Chợ Cũ. Toàn thể chợ và những tòa nhà phía đường d’Adran (nay là Hồ Tùng Mậu) trong đó có bót cảnh sát đều bị san bằng (chợ bắt đầu bị tháo dỡ từ năm 1910). Nhà ga xe tramway phía đại lộ Charner cũng bị phá bỏ. Từ lúc ấy cả khu phố trở nên thoáng đãng, đứng bên đường 
d’Adran nhìn qua bãi đất phủ thảm cỏ xanh ta thấy cả một khoảng lớn đại lộ Charner. Đến năm 1915, tượng đài Gambetta được dời từ ngã tư Pellerin – Norodom (Pasteur - Thống Nhất) về đây đặt tại chính giữa công trường này, tượng quay về hướng đại lộ Charner, từ đó công trường được đặt tên là Gambetta thay thế tên các đường Amiral Roze và Vannier chạy kèm hai bên công trường. Dù không còn cảnh chợ  náo nhiệt như xưa nhưng trên lề các dãy nhà phố chung quanh công trường vẫn  nhộn nhịp người đi mua sắm hoặc đi dạo chơi từ sáng sớm đến đêm khuya.

Khác với các nhân vật đã được dựng tượng tại Sài Gòn, Gambetta không có quan hệ trực tiếp nào đến  lịch sử đô hộ của Pháp tại Đông Dương. Léon Gambetta là chính khách người Pháp trong thời kỳ chiến tranh Pháp Đức. Sự bại trận của Pháp trong trận chiến này kéo theo việc cắt đất cho Đức. Người dân đặt tên tượng đài Gambetta là «ba hình» vì ngoài nhân vật chính còn có hai người lính kề hai bên: Trên  bệ cao tượng Gambetta đứng tựa khẩu đại bác hô hào quốc dân, tay phải nắm tấm bản đồ, tay trái  chỉ trỏ vùng biên giới Alsace-Lorraine đã lọt vào tay đế quốc Đức. Dưới bệ phía bên trái là người lính trong tư thế quỳ chờ xông trận, bên phải người lính ngã quỵ vì bị trúng đạn, đang buông súng, đầu gục một bên nhưng còn đưa tay níu kéo sự sống.

Tượng Gambetta này là một phiên bản của pho tượng hiện nay còn thấy tại thành phố Cahors (quê hương của Gambetta), do nhà điêu khắc danh tiếng vào thế kỷ 19, Alexandre Falguière (tên ông được đặt cho một trạm métro tại Paris). Ở châu Mỹ ông còn lưu lại tượng đài Lafayette tại thủ đô Washington.

Bãi đất trống Chợ Cũ có lúc dùng làm nơi Thống Đốc đến đọc diễn văn trước khi duyệt binh trên đại lộ Charner vào dịp lễ Đình Chiến (ngày 11 tháng 11 hằng năm), hoặc làm nơi cắm cọc dựng lều cho các gánh xiếc trình diễn. Vào năm 1919, Hội đồng quản hạt đề nghị dời tượng Gambetta đi nơi khác để lấy chỗ xây sở Kho bạc (ngân khố), vì sở Kho bạc lúc ấy tại số 164 đường Catinat đã cũ kỹ, chật hẹp, thiếu tiện nghi (không đủ ánh sáng, không thông gió nên ngột ngạt). Đất nền Chợ Cũ là tài sản của thành phố, ban Hội đồng thành phố chấp nhận nhượng nơi này cho nhà nước quản hạt xây Kho bạc, đổi lại nhà nước nhượng cho thành phố sở Kho bạc cũ trên đường Catinat vừa nói trên đây, tòa nhà này được sáp nhập với bót cảnh sát Trung ương (Commisariat Central) nằm sẵn bên cạnh biến thành trụ sở an ninh nổi tiếng mà người dân quen gọi là
«bót Catinat».

Giữa năm 1922 tượng đồng Gambetta và hai người lính được dời về đặt tại trung tâm vườn Bồ người lính được dời về đặt tại trung tâm vườn Bồ Rô (tên cũ là vườn Ông Thượng, nay là vườn Tao Đàn). Tượng Gambetta được khánh thành tại Sài Gòn vào năm 1889 nhân dịp lễ kỷ niệm một trăm năm Cách mạng Pháp. Gambetta từng đứng ngạo nghễ trên bệ cao ở đây đó trong thành phố, những tưởng cuối cùng được yên thân tại nơi tĩnh mịch giữa cây cao bóng mát chốn công viên, nào ngờ đến những năm Thế Chiến Thứ Hai bị nhà cầm quyền xem như vật phế thải, đem nấu chảy để thu hồi kim loại dùng vào chiến tranh.

Bình đồ xây dựng sở Kho bạc đã được chấp thuận và nhà nước chi kinh phí khởi đầu là 80.000 đồng dành cho năm 1921. Việc xây dựng Kho bạc tại đây không tránh khỏi vài ý kiến bài bác được nêu ra vì lý do là vị trí xây dựng gần nơi buôn bán ồn ào và nhất là gần bên thương cảng, tiếng còi tàu đủ làm xao lãng công việc của các nhân viên sở Kho bạc. Nhưng rồi tòa nhà vẫn mọc lên, chiếm khoảng một phần ba diện tích công trường, mặt tiền choán hết đoạn đại lộ Charner giữa hai đường Amiral Roze và Vannier. Hãng thầu xây dựng Brossard & Mopin khởi công thực hiện từ giữa năm 1922, đến tháng 9 năm 1926 sở Kho bạc bắt đầu mở cửa để đón công chúng.

Đường Amiral Roze (Phủ Kiệt / Hải Triều). 

Khoảng 1865-1870, khi xây chợ người ta mở thêm con đường đi từ bờ kinh Chợ Vải với đường d’Adran gọi là «rue du Marché». Đến năm 1871 đường này đổi tên là Amiral Roze, tên của vị đề đốc giữ chức vụ quyền thống đốc Nam Kỳ thay  mặt đề đốc La Grandière vào năm 1865. Từ năm 1926 con đường lại đổi tên là Phủ Kiệt, tên gọi tắt của ông đốc phủ Trần Văn Kiệt (1846-1920), từng là xã trưởng làng Hòa Mỹ (khu Đa Kao) và là nghị viên trong Hội đồng thành phố. Ông còn là chủ nhiều đất đai nhà cửa vùng Đa Kao, Tân Định, Phú Nhuận, trong đó có một xưởng cưa gỗ. Từ năm 1985 đường này mang tên mới là Hải Triều. Vì là đường xây ven theo chợ nên dọc theo đường này chỉ có nhà ở phía một bên. Vào thời kỳ ngôi chợ cũ còn bán buôn tấp nập, sinh hoạt kinh doanh trên đường Amiral Roze cũng theo đó cung ứng hàng hóa cho người đi chợ, lúc mới xây đường, có nhiều tiệm xay lúa bán gạo, tiệm tạp hóa, tiệm thực phẩm, hàng nước, hàng than củi, sau có tiệm bán rau cải, trái cây, các kho chứa hàng… Hầu hết chỉ có Khách Trú làm chủ các tiệm quán trên đường này, ngoại trừ tại góc đại lộ Charner c ó nhà hàng khách sạn của người Pháp, tên cũ là Hotel du Marché, sau đổi chủ lần lượt trở thành Café du Commerce rồi đến Hotel de la Terrasse, trong số khách lai vãng không ít là những nhân viên sở Thương chánh (nhà đoan) làm việc gần đấy thường đến giải khát trước và sau buổi làm việc.  Sau khi chợ bị giải tỏa, các hiệu buôn đã chuyển nghề để thích ứng với hoàn cảnh mới, ngoài các tiệm tạp hóa bán lẻ, tiệm bán thịt, còn có cả mấy tiệm chụp ảnh, công ty quảng cáo, v.v. Phía đầu đường bên cạnh đại lộ La Somme (Hàm Nghi) là một dãy nhà hàng ăn, tiệm nước và quán trọ, tất cả đều biến mất vào năm 1924 khi công ty Crédit Foncier cho xây lên tòa nhà ba tầng SFFC (Société Financière Française et Coloniale). 
Đường Amiral Roze còn có một hẻm ăn thông qua đại lộ Charner, xưa gọi là «ruelle aux Fleurs». Bên trong là một xóm đông người, chật chội, kém vệ sinh, tuy vậy đời sống nơi đây nhộn nhịp không thua gì phố xá bên ngoài, có cả tiệm xay lúa, tạp hóa, hớt tóc, hội buôn Triều Châu và đền miếu cho các bà hiếm muộn đến cầu tự. Hẻm cũ lâu đời có nguy cơ trở thành khu nhà ổ chuột, may thay từ khi dãy phố phía bên đại lộ La Somme được chỉnh trang, nhà cửa và đường đi trong hẻm theo đó cũng được canh tân, từ bên trong có lối đi thông ra các đại lộ.

[Xin nói rõ thêm: cùng lúc đặt tên
«công trường Gambetta», tên «Amiral Roze» dành đặt cho con đường đi từ nhà ga đến vườn Bồ Rô, nay là đường Trương Định]



Đường Vannier (Ngô Đức Kế) khoãng năm 1905

Đường Vannier bắt đầu từ công trường Rigault de Genouilly (nay là công trường Mê Linh) đến đường d’Adran (Võ Di Nguy / Hồ Tùng Mậu). Ta chỉ để ý đến đoạn đi qua Chợ Cũ, từ đại lộ Charner đến đường d’Adran. Dọc theo đoạn đường này chỉ có dãy nhà mang số chẵn. Lúc đầu tiên đây là đường số 5. Từ 1865 đến 1955 là đường Vannier, đặt theo tên của một sĩ quan Hải quân người Pháp theo phò vua  Gia Long. Từ 1955 đến nay đường vẫn giữ tên là Ngô Đức Kế.

Đáng chú ý là tại khúc đường này có sự hiện diện của khá nhiều tiệm buôn của người Ấn. Từ khoảng năm 1865 người Ấn đã có mặt tại Sài Gòn, họ làm nghề đổi tiền, nuôi dê bán sữa, buôn bán nhỏ. Dần dà khi càng ngày càng đông họ làm công chức, cảnh sát, thương gia, cho vay ăn lời, bán tạp hóa, thu hoa chi chợ, v.v. Đặc biệt tại đường Vannier cạnh bên chợ, nơi họ mở nhiều tiệm buôn hàng vải nên được gọi là «dãy phố Chà bán vải». Thời kỳ cực thịnh của họ, vào các năm trước khi dẹp ngôi Chợ Cũ, số cửa hàng của họ chiếm hơn phân nửa dãy phố. Họ vẫn buôn bán phát đạt tại đây suốt mấy thập niên, đến năm 1975, còn đếm được năm, sáu tiệm.

Xen giữa những «tiệm Bombay» bán vải vừa nói còn có những tiệm của người Việt và người Hoa bán vải vóc, tạp hóa, nữ trang, thuốc Bắc, v.v. Ta cũng nên nhắc tới tiệm bách hóa của ông bà Nguyễn Đức Nhuận, khoảng 1923, chuyên bán hàng mốt mới (nón, giày, áo quần, tơ lụa,…), máy hát, khăn đen Suối Đờn, v.v. Ông bà Nhuận còn mở một đại lý trên đường Catinat chuyên về hàng tơ lụa. Cũng tại đại lý này bà Nhuận tức là bà Cao Thị Khanh sáng lập tuần báo Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929. Đến 1931 tòa soạn dời về đường Vannier tại cùng địa chỉ với tiệm bách hóa nói trên. Tờ báo ăn khách này có lần kêu gọi: «Chị em ta từ trong trướng gấm phòng thêu, đánh trống phất cờ ra để phấn đấu cho đoàn thể mình, và phấn đấu cho cả quốc gia xã hội». Đầu năm 1934, tòa báo lại dọn về đường Massiges (Mạc Đỉnh Chi) và ở tại đây cho đến khi đóng cửa vào năm 1935, tính ra báo tồn tại được hơn 5 năm. Từ thời ấy khi nhắc đến Phụ Nữ Tân Văn người ta nhớ ngay đến câu lục bát đề trên trang nhất: “Phấn son tô điểm sơn hà / Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.”

Đường Hamelin và đường Monlaü (Huỳnh Thúc Kháng).

Đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay gồm hai đoạn đường cũ vào thời Pháp thuộc: Monlaü và Hamelin. Theo năm tháng, sự đổi dạng và đổi tên của các đường đó cũng khá phức tạp.

Lúc mới đánh chiếm Sài Gòn, chính quyền Pháp đặt tên đường phố bằng những con số, trong đó có con đường số 7 đi từ bờ kinh Chợ Vải chạy xuyên qua khu đầm lầy Boresse. Từ năm 1865 đường này đổi tên là Hamelin, đặt theo tên của viên đề đốc kiêm bộ trưởng bộ Hải quân Pháp vào thời Rigault de Genouilly tấn công Đà Nẵng và đánh chiếm Sài Gòn. Khi xây đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, đường Hamelin bị khoảng đất dành làm đề-pô chiếm hết phần giữa, chia nó ra làm hai đoạn: đoạn thứ nhất nằm trong khu Boresse (sau trở thành đường Hồ Văn Ngà, nay là Lê Thị Hồng Gấm), đoạn thứ nhì kéo dài tới đại lộ Charner (là một phần của đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay), ta chỉ để ý tới đoạn này vì nó nằm gần Chợ Cũ. Sang năm 1917, đường này đổi tên là Đỗ Hữu Vị, đặt theo tên của vị đại úy không quân người Việt đã tử trận tại vùng Somme (phía Bắc nước Pháp) vào năm 1916.

Không xa đấy, khi xây dựng khu vực chợ Bến Thành hiện đại, đề-pô xe lửa bị giải tỏa. Vào năm 1922, khúc đường nhỏ hẹp đi bên cạnh đề-pô (rue latérale Nord du Chemin de fer) trở thành đường Monlaü, một đầu của đường này nối tiếp với đường Hamelin, đầu kia thông ra Bùng binh chợ BếnThành.Monlaü là hạ sĩ quan người Pháp, tử trận tại vùng Alsace (Pháp) vào năm 1915

Đến năm 1955, cả hai đường Monlaü và Đỗ Hữu Vị cùng hợp lại thành đường duy nhất Huỳnh Thúc Kháng cho đến nay. 

Vào cuối thế kỷ 19, đường Hamelin đã là một nơi ồn ào huyên náo, vì tại đây có nhiều người làm nghề tiểu công nghệ hơn làm nghề buôn bán, họ là thợ xay lúa, rèn sắt, hàn thiếc, cắt tóc, giặt ủi… 

Sang đầu thế kỷ 20, các hiệu buôn bán lẻ, tạp hóa tăng dần lại có thêm các tiệm may tiệm giải khát tăng dần, lại có thêm các tiệm may, tiệm giải khát, năm ba tiệm hút thuốc phiện…Trong thập niên 1930, bắt đầu có mặt nhiều nhà cho thuê xe hơi có tài xế, nhiều nhà sửa chữa và cho thuê xe đạp…

Đường Hamelin đi cạnh bên nhiều công sở như tòa Hòa giải (chỗ tòa nhà Sunwah, đường Nguyễn Huệ hiện nay), sở Tân đáo (đoạn giữa hai đường Hồ Tùng Mậu và Tôn Thất Đạm), sở Công chánh (giữa hai đường Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ngoài ra phải kể đến một cơ sở giáo dục quan trọng là trường Cơ khí Á châu, được xây dựng vào năm 1906 trên khu đất có xưởng máy của sở Công chánh nằm giữa hai đường Pellerin và MacMahon (Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Trường Cơ khí Á châu (hay trường Bá nghệ, 65 đường Hamelin) được thành lập nhằm bổ khuyết cho các lớp dạy nghề (mộc, rèn, nguội) của trường Chasseloup Laubat. Mục tiêu ban đầu của trường là đào tạo thợ lành nghề sau thời gian học các môn học như: sử dụng và sửa chữa máy móc tàu thuyền, điện thực hành, kỹ thuật xe hơi… Vì nhu cầu kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng, trường đào tạo thợ máy, thợ điện, chủ tàu thuyền làm việc trong các ngành hải quân, hàng hải thương mại, kỹ nghệ…

Sở Kho Bạc trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) -(khoảng 1950)

Vào năm 1919 tại Sài Gòn đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân nguyên do từ một sự kiện nhỏ mà báo chí thời ấy gọi là «vụ ly cà phê đường Đỗ Hữu Vị». Không rõ việc ấy xảy ra chính xác tại quán nước hay nhà hàng nào, chỉ biết đại khái là có một người vào tiệm Khách Trú gọi ly cà phê như thường ngày. Đến khi tính tiền chủ tiệm tăng giá đòi 3 xu thay vì 2 xu như mọi hôm, số tiền tuy nhỏ nhưng tăng vọt 50 phần trăm làm cho người khách bất bình. Tin ấy lan truyền rộng rãi, đồng bào ta xem việc tự ý tăng giá là hành động của con buôn hám lợi đã nhẫn tâm bóc lột người tiêu thụ nên đồng lòng cùng nhau hưởng ứng phong trào «tẩy chay Khách Trú», nhất định chỉ mua hàng của người Việt. Phong trào này lan rộng xuống Lục tỉnh, ra đến ngoài Trung và ngoài Bắc. Các thương gia, kỹ nghệ gia có tâm huyết muốn bảo vệ quyền lợi đồng bào nhân cơ hội này kêu gọi sự đồng tâm chung vốn để thành lập các công ty thương mại, hoặc mở ngân hàng có nguồn vốn dồi dào. Khách Trú cũng có cách đối phó lại bằng cách cấm người đồng bang mua bán với người Việt, hoặc họ đòi nợ gắt gao, thưa kiện đòi tịch thu tài sản của người thiếu nợ, hăm dọa đuổi người thuê nhà (Khách Trú làm chủ rất nhiều nhà cho thuê). Phong trào tẩy chay bị tàn lụi nhanh chóng vì đồng bào ta thừa hiểu là chưa có đủ điều kiện chín muồi để thực hiện việc tự giải phóng về kinh tế.

Nối tiếp với đường Hamelin là đường Monlaü, con đường ngắn nằm tại trung tâm thành phố nhưng ít người qua lại vì không phải là phố thương mại lại ít nhà ở của tư nhân. Phần lớn đất đai dọc hai bên đường do chính quyền Thành phố cai quản, vào những năm 1926-1928, còn nhiều vật liệu của sở Lục lộ chất đầy hai bên đường, tràn lan đến dải đất phía trước trường Cơ khí khiến cho hiệu trưởng Rosel phàn nàn với thị trưởng Sài Gòn về cảnh vô trật tự và bẩn thỉu phô bày trước cửa một cơ sở giáo dục.

Năm 1930, toàn quyền Pasquier đến khánh thành viện Bài trừ huê liễu (Institut prophylactique), còn gọi là
«nhà thương Phong tình», gồm có phòng khám và phòng thí nghiệm. Viện này được thành lập từ năm 1926, là bộ phận của Nhà thương thí Sài Gòn (Polyclinique municipale) trên đại lộ Bonard, sau tách rời ra dọn vào tòa nhà tại đường Monlaü, gần bên Nhà thương thí nói trên.


Đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nhìn từ ngã ba đường Chaigneau (Tôn Thất Đạm) - (khoảng 1922)

Đường Ohier (Tôn Thất Thiệp)
Đường này đi từ Đại lộ Charner đến đường Pellerin. Tên cũ là đường số 9, đổi tên Ohier từ 1871. Từ 1955 mang tên là Tôn Thất Thiệp cho đến nay. Ohier là đề đốc nắm giữ chức vụ quyền 
thống đốc Nam Kỳ thay mặt đề đốc La Grandière vào các năm 1868, 1869. 

Cuối thế kỷ 19 đường Ohier đã là nơi sinh hoạt nhộn nhịp không kém các đường lân cận Chợ Cũ, nhiều người sống bằng nghề rèn sắt, thợ mộc, xay lúa, bán tạp hóa, bán thuốc Bắc, bán nước giải khát… Sang đầu thế kỷ 20, không kể dãy phố nhìn sang tòa Hòa giải dành làm cư xá cho nhân viên cảnh sát, phần còn lại của đường Ohier hầu như là một xóm của người Ấn Xã Tri, đa số làm nghề cho vay, một số ít mở tiệm nữ trang, tiệm tạp hoá. Từ lâu đã có nhiều Xã Tri sinh sống trên đường d’Adran (Võ Di Nguy/ Hồ Tùng Mậu), đến khi Chợ Cũ bị dẹp bỏ, họ dọn nhà sang đường Ohier có lẽ vì muốn được cư ngụ  gần ngôi đền của họ cho tiện việc thờ tự. Ngôi đền này còn gọi là Chùa Chà, xây dựng vào khoảng năm 1880 tại góc đường Pellerin, trên lô đất do nhà cầm quyền thời ấy nhượng không cho kiều dân Ấn Độ. 

Đồng bào ta gọi họ là Chà Xã Tri bởi họ thuộc đẳng cấp chetty, gốc gác ở phía Nam Ấn Độ, theo đạo Bà-lamôn, thường mang quốc tịch Anh. Những người Xã Tri đầu tiên đến Sài Gòn, độ khoảng mươi người tập trung trên đại lộ Charner, sống bằng nghề mua bán lẻ, đổi tiền và cho vay. Khách nợ của họ  phần lớn là công chức hay lính tráng người Pháp, trong đó không ít là những người túng quẫn vì cờ bạc hay vì ăn chơi phung phí.

Xã Tri cho vay với lãi suất quá cao (theo báo chí của thập niên 1930, lãi suất thông thường là 36 %, có khi tăng đến 50 % một năm) nhưng nhiều người cần đến họ vì phương thức cho vay của họ khá dễ dãi: thủ tục đơn giản, cước phí tối thiểu, trao tiền nhanh chóng, lãi suất áp dụng tùy theo của cải thế chấp của người vay nợ. Họ cũng có thể cho vay tiền ở vùng quê hẻo lánh, nơi không có ngân hàng, không có quỹ tín dụng nông thôn. Đến kỳ hạn, nếu con nợ chưa trả đủ tiền lời thì Xã Tri lập thêm giấy nợ khác, trong đó tiền lời chưa trả được chuyển thành vốn cho vay mới. Làm giàu như thế chưa đủ, họ chiếu theo pháp luật để xiết nợ nếu con nợ không trả tiền đúng kỳ hạn, cứ như thế bao nhiêu nhà cửa đất đai lọt vào tay họ. Nếu ta so sánh Xã Tri với chủ nợ người Việt, ta thấy điều đáng nói là lợi tức do chủ nợ người Việt tạo ra thường được tái đầu tư trong xứ, trong khi ấy phần lớn lợi tức Xã Tri thu được đều  đem chuyển ra nước ngoài. Tuy giàu tiền của nhưng họ giữ nếp sống giản dị

Tuy giàu tiền của nhưng họ giữ nếp sống giản dị, xa lánh sự xa hoa, hào nhoáng. Hình ảnh châm biếm Chà Xã Tri là mẫu người đàn ông mặc y phục chỉ có tấm vải quấn quanh mình, vai để trần, tới bữa ăn ngồi bệt dưới đất, ăn bốc thức ăn đựng trên lá chuối, ban đêm ngủ trên ghế bố… Tuy nhiên đối với  thần thánh thì họ hết lòng tôn sùng. Mỗi năm họ tổ chức «Lễ Chưng cộ» rất tốn kém. Lễ này diễn ra trong ba ngày vào khoảng rằm tháng chạp âm lịch, chương trình lễ không năm nào giống nhau (có khi thu ngắn còn hai ngày hoặc dời đi vài ngày, như vào năm 1923, lúc để tang toàn quyền Maurice Long). Mặc dầu là lễ tôn giáo của người Ấn, nhưng lại là dịp mua vui của người dân đô thị.


Đền Ấn giáo trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) -(khoảng 1905)

Ngày bắt đầu cuộc lễ thường có đám rước bệ thờ đi từ đền Bà Mariaman (45, đường Trương Định hiện nay) về ngôi đền đường Ohier. Sang ngày thứ nhì cuộc lễ có phần long trọng hơn, đám rước tụ họp trước đền, dân chúng chen nhau đông như kiến trên đường Ohier. Trước đền dừng sẵn cỗ xe nạm bạc chở lầu bát giác trang trí lộng lẫy, chính giữa lầu đặt pho tượng vị thần bằng vàng khối, trên thân thể phủ đầy những viên ngọc quý rực rỡ nhiều màu sắc. Chung quanh đế lầu đặt các tượng thần khác, phía trước có tượng hai con ngựa gỗ màu trắng. Người hiếu kỳ muốn đến gần để xem cho rõ phải chịu khó luồn lách qua đám đông, nhưng không phải dễ, có khi bắt buộc dùng tới bạo lực, vừa chen lấn, vừa thoi, vừa đạp. Không có gì lạ nếu nghe tiếng cãi vã hoặc chửi rủa nhau, chẳng còn ai tôn trọng gì buổi lễ tôn nghiêm. Người dân đi vui chơi, bất chấp lễ rước vị thần nam hay thần nữ. Thời ấy vị thần mang tên là Souppramani Assouvamy, báo chí cho là nữ thần, trong khi người quản lý đền Ấn giáo gọi thần ấy là «Ông Phật». Thông thường bắt đầu đi từ đường Ohier, đám rước kéo cỗ xe lần lượt qua các đường phố như hiện nay là: Pasteur, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý), Lê Duẩn (Thống Nhất), Pasteur, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu (Võ Di Nguy), xong trở về đền thờ tại đường Ohier.

Lúc đám rước đi qua, người đứng xem dọc đường phố được phân phát bánh kẹo, được rảy nước hoa (nhưng cẩn thận, nước rảy ra có thể làm cay bỏng mắt). Trong số những tín đồ đi theo cỗ xe có người quá sùng đạo tự gây thương tích để tạ tội với thần linh như dùng kim dài đâm xuyên qua hai má, nhưng sau đó nhà cầm quyền cấm nghi lễ này vì xem như hành động cuồng tín.

Có khi đám rước tổ chức vào chiều tối, dưới những ánh đuốc và ánh nến chập chờn, xe lăn nhịp nhàng theo tiếng kèn, tiếng trống, ta tưởng chừng đang sống vào một thời xa xưa huyền bí.

Đám rước vừa xong, các tín đồ đổ xô vào đền để cúng lễ, cầu nguyện theo tiếng nhạc hòa du dương. Đến 9 giờ tối đám đông ngoài phố lại kéo nhau đi xem đốt pháo và bắn pháo bông, thường tổ chức tại công trường Cuniac trước chợ Bến Thành hoặc tại đầu đại lộ Charner phía bờ sông.

Sang ngày thứ ba, buổi lễ chấm dứt sau khi đám rước đưa bệ thờ mang tượng các vị thần đi qua đường phố chung quanh đền Ấn giáo. 


Ba ngày lễ tổ chức tốn kém nhưng không thấm vào đâu đối với sự giàu có của Xã Tri. Vào những năm nhà nước cổ động mua quốc trái, Xã Tri tiết giảm chi tiêu cho lễ hội, bỏ hết các việc rảy nước hoa, phát bánh kẹo và bắn pháo bông để tránh mang tiếng phung phí, vừa để che giấu sự làm ăn phát đạt bởi họ sợ sở Thuế vụ đánh thuế không nương tay. Đến năm 1939 Thế chiến bùng nổ, họ tự nguyện tiết giảm kinh phí tổ chức lễ hội, đồng thời đóng góp chút tiền bạc để ủy lạo chiến sĩ.

Đường Chaigneau (Tôn Thất Đạm)
Đường Chaigneau đi từ bến Belgique (Chương Dương) đến đường Ohier (Tôn Thất Thiệp). Tên 
cũ là đường số 22, từ năm 1865 đổi tên là Chaigneau, từ 1955 đến nay là đường Tôn Thất Đạm. Chaigneau là sĩ quan Hải quân người Pháp theo phò vua Gia Long.

Vào cuối thế kỷ 19, việc kinh doanh trên đường này chưa phát triển lắm, người dân sinh sống bằng các nghề nhỏ như xay lúa, giặt ủi, cắt tóc, rèn sắt, đóng xe ngựa, buôn bán nhỏ, vv. Sang đầu thế kỷ 20, nhất là từ khi mở đại lộ La Somme và dời ga xe lửa Mỹ Tho đến gần công trường Cuniac, hoạt động nghề nghiệp tiến triển hơn, nhưng nếu xét kỹ ta thấy có sự khác biệt về nghề nghiệp ở mỗi đoạn đường phía hai bên của đại lộ La Somme.

Phía đoạn đường từ rạch Bến Nghé đến đại lộ La Somme, từ sau Đệ nhất Thế chiến, có khuynh hướng chuyển sang các nghề thuộc ngành tài chánh (ngân hàng, công ty bảo hiểm), vận tải (các công ty vận tải đường biển), nông nghiệp (các công ty khai thác đồn điền), dịch vụ thương mại (hãng xuất nhập cảng). Đầu đường Chaigneau bên số lẻ đi từ bờ rạch Bến Nghé đến đường Lefèbvre (Nguyễn Công Trứ), xưa là dãy phố gồm khoảng hai mươi căn nhà nơi cư ngụ của công tư chức, thợ thuyền. Dãy phố ấy bị phá bỏ nhường chỗ xây tòa nhà Ngân hàng Đông Dương, hoàn tất vào năm 1930. Thời ấy Ngân hàng chiếm tầng trệt và lầu một, cửa vào ở phía mặt tiền nhìn ra rạch Bến Nghé. Tầng lầu hai dành cho các công ty thuê lại để mở văn phòng, có thang máy cho nhân viên và khách hàng lên xuống, có cửa ra vào ở phía bên đường Chaigneau. Cạnh ngã tư đại lộ La Somme, tại số nhà 51 từ cuối thế kỷ 19 là bót cảnh sát Quận Nhì, không rõ từ năm nào bót này dời về đường Boresse (đường Yersin).




Bản đồ "Trung tâm Sài Gòn 1930"

Đoạn đường từ đại lộ La Somme đến đường Ohier, nhiều người tại đây còn theo đuổi những nghề lao động chân tay như sửa máy, sửa khóa, giặt ủi, nghề mộc, nghề rèn, v.v. hoặc nghề buôn bán lẻ. Ngoài ra còn vài tiệm thuốc Bắc, tiệm hút á phiện, vài nhà cho thuê xe hơi có tài xế. Gần ngã ba đường Ohier có vài gia đình người Ấn mở tiệm bán thực phẩm và gia vị. Đường Chaigneau thời ấy là nơi cư ngụ của nhiều Khách Trú nên tại đây có các hội quán của các bang Quảng Đông (số 68), Triều Châu (số 77). Từ thập niên 1930, gần ngã tư Đỗ Hữu Vị đã có rạp xi-nê Nam Việt (số 131), nơi thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của bao thế hệ người Sài Gòn.

Mỹ Phước Nguyễn Thanh (France)


xuanloc54@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét