Truy tìm vết tích Chùa Cây Mai (Đồn Cây Mai)


                                             Bản Đồ Kênh Rạch của Saigon Cholon năm 1947

Một góc Saigon xưa 

════════════----------------------- -------------------═══════════

Truy tìm vết tích Chùa Cây Mai (Đồn Cây Mai)

════════════-----------------------   -------------------═══════════

- Khu màu vàng bên trái là chùa Cây Mai, bị quân Pháp chiếm làm đồn binh, là một trong 4 ngôi chùa thuộc "chiến tuyến các ngôi chùa" trong trận tấn công đồn Kỳ Hòa tháng 2/1861.

Bản Đồ Năm 1947 của vùng Chợ Lớn cho thấy kênh Vòng Thành ( Ranh giới phía Tây của Tỉnh Saigon, Chợ Lớn ) nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ ( Trước 75 là đường Dương Công Trừng ) Kênh Vòng Thành chạy dài từ nơi giáp với Rạch Chợ Lớn ( là Đường Trương Tấn Bữu-Khổng Tử ) theo hướng Bắc băng ngang đường Hồng Bàng đi về phía bắc vùng Phú Thọ Hòa.

Nơi ngã năm Hùng Vương -Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ-Nguyễn Trãi...những ai đi ngang đây chắc hẳn còn nhớ có Đồn Cây Mai. Trước 1975 nơi đây là trường Quân Báo của QĐ VNCH. Địa điểm ngày nay là số 26, đường Hùng Vương, Q11 .


Bản Đồ Kênh Rạch của Saigon Cholon năm 1947
Bản Zoom lại vùng Chợ Lớn do XL edit lại
-Màu tím là đường Lục Tỉnh nối dài là Đường Hùng Vương -Hồng Bàng.
-Kênh Vòng Thành lấp lại là đường Dương Công Trừng ( hiện nay là Nguyễn Thị Nhỏ ) kéo dài từ Trướng Tấn Bữu băng ngang Hồng Bàng đi theo hướng Bắc vùng Phú Thọ Hòa
-Rạch Chợ Lớn lấp lại là đường Trương Tấn Bữu nối dài đường Khổng Tử
-Gò Cây Mai ( Chùa Cây Mai ) ngay góc đường Hùng Vương và Dương Công Trừng ( nay là Nguyễn Thị Nhỏ )


Đó chính là Chùa Cây Mai mà hiện nay khi đi trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, bên hông trái của Chung Cư Cây Mai, gần ngã ba Tân Thành còn vết tích là 1 cái Am nhỏ và Cây Mai Cổ Thụ trước Chung Cư Cây Mai.


Cái Hầm trú ẩn bên trong Chùa Cây Mai

══════---------------------- -------------------══════
Sách Gia Định thành thông chí có ghi: “Gò Cây Mai cách phía Nam trấn (Phiên An) 30,5 dặm. Ở đây gò đất nổi cao có nhiều Nam mai, nhành cỗi rườm rà, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá hộ vệ mùi thơm mà thôi. Thứ hoa này bẩm linh khí sinh ra, không đem trồng ở nơi khác được. Trên có ngôi chùa An Tôn, đêm đọc Bối kinh (kinh Phật chép trên lá bối), chuông mai trống chiều vang rền trong mây khói, mường tượng như thế giới nhà Phật ở Ấn Độ. Lại có suối trong chảy quanh chân gò, các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp những giai tiết thì văn nhân thi sĩ mang bầu rượu, theo từng bậc cấp leo lên, ngâm vịnh tại nơi đầu gò, dưới gốc mai hoa cùng văn tự nồng nức mùi hương. Thật là một thắng cảnh cho người du lãm.


Chùa Cây Mai, bị quân Pháp chiếm làm đồn binh, là một trong 4 ngôi chùa thuộc "chiến tuyến các ngôi chùa" trong trận tấn công đồn Kỳ Hòa tháng 2/1861. -
 Trước 1975 nơi đây là trường Quân Báo của QĐ VNCH. Địa điểm ngày nay là số 26, đường Hùng Vương, Q11 . Đối diện Ngã ba Hồng Bàng-Phạm Đình Hổ ( Quận 6 )




Gò ngày xưa là chỗ chùa tháp của người Khmer, nền móng còn nhận rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 có thầy Tăng trùng tu lại, đào lấy được ngói gạch cỡ lớn của người xưa rất nhiều, và lại đào được hai miếng vàng lá, tư bề đều vuông một tấc, mỗi miếng nặng ba đồng cân, trên mặt chạm hình “Cổ Phật cỡi voi”, có lẽ đấy là cái vật của Hồ tăng dùng để trấn tháp đó chăng?”(1).
Còn sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép về chùa Cây Mai, ngoài những chi tiết mô tả giống như Trịnh Hoài Đức trên đây, còn chúng ta thêm một số thông tin khác như: chùa cây Mai còn gọi là Mai Khâu, toạ lạc tại thôn Tân Long (tổng Tân Phong Thượng), huyện Tân Long (phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định), có 7 cây mai, số lượng cụ thể vào thời Tự Đức. Còn Trịnh Hoài Đức không cho biết bao nhiêu cây.

Nhận xét về thắng cảnh Gò Cây Mai và chùa Cây Mai, tác giả sách Đại Nam nhất thống chíviết: “Chỗ này cũng là thắng địa của phương Nam. Nhưng cảnh chùa có lúc thịnh, lúc suy, cây mai có lúc tươi, lúc tàn. Cái ấy hình như ám hợp với nhau. Mỗi khi hoa mai rụng bay đi vào chỗ nào không biết thì cảnh chùa u trầm, vắng vẻ tăng đồ, trông rất buồn bã. Đến khi linh cơ chuyển phục giữa không tế bay về, thì cảnh chùa với hoa mai đồng thời song song thạnh phát. Trước kia không ai để ý đến. Từ khi cất chùa đến nay sự suy thịnh đã trở đi trở lại hai lần như thế. Có phải Thiên nữ tán hoa­(2) chăng? Hay là cây quỳnh ở Dương Châu(3) chăng? Xưa có một thi nhân đi qua đây có đề bài thơ rằng:
Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa?
Tạm yết chinh tiên thuyết Phạn gia.
Hương nhập trà bình yên chính noãn,
Nhất sinh trần lự bán tiêu ma.
Dịch nghĩa:
Cửa thiền ta đến viếng mai hoa?
Tạm gác chinh tiên luận Thích già.
Hương quyện bình trà đương ngút khói,
Một đời trần luỵ nửa tiêu ma (4)”.
Theo sự mô tả trên đây, gò Cây Mai tương đối cao, vì muốn lên đến chùa, người ta phải leo qua nhiều bậc tam cấp. Chu vi cũng không phải hẹp, vì quanh dưới chân gò có dòng suối nước trong, tức là một con rạch có trồng sen, sâu và rộng, nên các cô thanh nữ muốn hái sen phải bơi thuyền qua lại. Trên đồi có ngôi chùa Ân Tôn xây dựng từ trước, không rõ năm nào, nhưng phỏng đoán vào thời các chúa Nguyễn, vì đến năm Gia Long thứ 15 đã có vị sư trụ trì trung tu (trùng tu chứ không phải xây dựng). Trên gò còn có 7 gốc mai cổ thụ, thuộc giống Nam mai, hoa màu trắng, nên về sau các nhà thơ vùng Đồng Nai – Gia Định thành lập thi xã đặt tên là Bạch Mai thi xã.
Trong con mắt các tao nhân mặc khách, đồi Cây Mai và chùa Cây Mai tạo thành cảnh trí rất đẹp, rất nên thơ, thanh nhã. Cho nên vào các mùa Xuân hàng năm, khi hoa mai nở rộ, mùa hương lan toả khắp nơi, cùng với thiện nam tín nữ lũ lượt lên chùa lễ Phật cầu phước đầu năm, các thi nhân lại có dịp bầu rượu túi thơ, rủ nhau lên ngồi dưới gốc mai phía đầu gò, thưởng thức cái không khí trong lành thoang thoảng hương mai, cùng nhau xướng hoạ, ngâm vịnh, nhả ngọc phun châu, tiêu dao thoát tục. Về sau, các thi nhân họp lại thành lập Bạch Mai thi xã để hằng năm đến hẹn lại lên, bao gồm các nhà thơ khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Thành viên của thi xã là những ông cử, ông tú, ông nhiêu, ông đồ.
Hiện nay còn lại 3 bài thơ chữ Hán xưa nhất của Trịnh Hoài Đức vịnh cảnh chùa Cây Mai, chúng tôi xin trích ra một bài thơ để mọi người cùng thưởng lãm:
Mai Khâu vãn thiếu
Mai Khâu vãn thướng lược đông phong,
Nhất vọng tiêu nhiên nhãn bất cùng.
Thôn xá chẩm khê yên thu ngoại,
Mục đồng hoành địch thảo nguyên trung.
Ngưu tương giải ngột quy cao lũng,
Nha dĩ từ giao tập mậu tùng.
Trù tướng minh vân thiên miễu miễu,
Trù trì vô ngữ ỷ ngô đồng.
Dịch nghĩa:
Gò Cây Mai buổi chiều nhìn từ xa
Chiều đến gò mai hứng gió đông,
Xa trông cảnh vắng, mắt khôn cùng.
Xóm nhà gối suối mờ cây, khói,
Đồng cỏ vang âm sáo mục đồng.
Quạ họp về cây, rời bãi trống,
Trâu chờ cởi ách, lại vùng giồng.
Trời cao mây tối giăng buồn bã,
Đứng tựa ngô đồng lặng ngó trông.
(Nguyễn Khuê dịch) (5)
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, nhưng không dám đóng quân trong thành, bèn triệt phá rồi rút xuống đóng tại đồn Hữu Bình. Thỉnh thoảng quân Pháp ở Đồn Hữu Bình bị nghĩa quân ta ban đêm đột kích đánh phá, nên chúng bèn lập phòng tuyến trên bộ từ chùa Khải Tường qua chùa Kim Chương, từ chùa Kiểng Phước xuống đến chùa Cây Mai, và chúng gọi là phòng tuyến các chùa (Lique des Pagodes), nhằm ngăn cản quân ta đột kích. Pháp đã biến các chùa thành các trại quân, trong đó có chùa Cây Mai. Các tượng Phật và tự khí đều bị phá huỷ. Cây cối xung quanh chùa bị chặt phá, tạo thành vùng đất trống cho chúng dễ tuần phòng. Từ đó không còn cảnh tài tử giai nhân thưởng ngoạn Mai Sơn nữa. Hầu hết thành viên của Bạch Mai thi xã tị địa tới vùng tự do hoặc tham gia nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Tôn Thọ Tường sau khi làm tay sai cho Pháp có làm bài thơ vịnh chùa Cây Mai để bào chữa cho hành động hợp tác với thực dân Pháp, quay lưng lại với dân tộc:
Bài xướng
Đau đớn cho mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt,
Xuân đến thu về lá quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,
Tò te kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh, thi thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.
Lê Quang Chiểu, tức cai tổng Chiểu ở thôn Phong Điền, Hậu Giang đã hoạ lại bài thơ đó với lời lẽ mỉa mai.
Bài hoạ
Tìm mai mấy độ đã xa đèo,
Xót nhẽ thân gầy sắn vẫn leo.
Sương tuyết bốn mùa hoa sạch sẽ,
Gió đông đòi trận sắc tiu hiu.
Đẩy đưa cõi Phật hơi kèn sớm,
Quạnh quẽ nhành chim xế bóng chiều.
Thầm tiếc phỏng còn phong cảnh cũ,
Văn nhơn tài tử biết bao nhiêu (6).
Ngày nay, đi trên đường Hùng Vương thuộc địa bàn quận 6 và quận 11, chúng ta không còn thấy gò Cây Mai với dòng suối lượn quanh, cũng như chùa Cây Mai với mõ sớm chuông chiều, với thi nhân mặc khách bầu rượu túi thơ nữa, mà chỉ thấy mặt bằng thẳng tắp với một chiếc am nhỏ xíu nhang tàn khói lạnh. Tại sao lại có cảnh tang thương như vậy?
Số là khi người Pháp bắt đầu xây dựng khu đô thị Chợ Lớn thì vùng này còn rất nhiều kinh rạch, ao đầm cần phải san lấp để có mặt bằng thực hiện các công trình công cộng như đường sá, công thự, chợ phố. Chính quyền thực dân Pháp đã cho triệt hạ gò Cây Mai, lấy đất để san lấp kinh rạch, vì vậy ngày nay không còn dấu tích gì của gò Cây Mai nữa. Chùa Cây Mai (hay chùa Ân Tôn) cũng không còn. Nó được thay thế bắng một cái am nhỏ mà người dân địa phương nói là vị trí của chùa Cây Mai xưa, nhưng lại nằm lọt trong khuôn viên của khu quân sự, nên dân chúng không thể lui tới tham quan được
GHI CHÚ :
(1)Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nha Văn hoá Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá xuất bản 1972, tập thượng, tr.37-38.
(2) Thiên nữ là thần Thiên Nữ; Tán hoa là rải hoa. Kinh Duy Ma chép: Giữa hội có thần Thiên nữ lấy hoa trời rải lên mình các vị Bồ tát, hoa đều rơi rớt đi cả. Khi rải đến một vị đệ tử lớn thì hoa dính vào mình của đệ tử ấy. Thiên nữ nói: đó là vì kết tập chưa giải hết, nên hoa dính vào mình (Tu Trai Nguyễn Tạo chú giải).
(3) Từ Nguyên chép: Tại đền thờ Hậu thổ ở Dương Châu có một cây hoa quỳnh, tương truyền do người đời Đường trồng, qua đời Tống có làm quán Phồn Ly và đình Vô Song ở bên cây quỳnh. Vua Nhân Tông đến, cho bứng cây quỳnh ấy về trồng trong vườn cấm, hơn một năm thì cây quỳnh khô héo, bèn đem trả lại Dương Châu thì cây quỳnh sống lại (Tu Trai Nguyễn Tạo chú giải).
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nha Văn hoá Phủ Quốc gia Giáo Dục Sài Gòn xuất bản 1959, tập thượng, tr. 81-82; và Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điểm dịch, NXB Thuận Hoá, Huế 1992, tập V, tr. 237-238.
(5), (6) Nguyễn Thị Thanh Xuân – Nguyễn Khuê – Trần Khuê, Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa, NXB Tổng hợp TP. HCM, 1987, tr. 87-88; 337-338

      Sưu tầm by xuanloc54@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét